Lạm phát ở Đức lại tăng
Lạm phát ở Đức gần đây đã bất ngờ tăng trở lại. Trong khi các dịch vụ trở nên đắt đỏ hơn, giá các sản phẩm năng lượng lại giảm.
Theo số liệu sơ bộ do Cục Thống kê Liên bang tại Wiesbaden công bố, giá tiêu dùng ở Đức trong tháng Bảy cao hơn 2,3% so với cùng kỳ năm trước. Ulrike Kastens, chuyên gia kinh tế châu Âu tại DWS nhận xét: "Điều này cho thấy xu hướng giảm trong một số thành phần giá cả đã dừng lại".
Các nhà kinh tế được hãng tin Reuters khảo sát trước đó đã dự đoán rằng tỷ lệ lạm phát sẽ duy trì ở mức 2,2%. So với tháng trước giá tiêu dùng đã tăng nhẹ: vào tháng Sáu lạm phát cao hơn 2,2% so với cùng kỳ năm trước, sau mức 2,4% vào tháng Năm. Vào tháng Năm tỷ lệ lạm phát đã lần đầu tiên trong năm nay tăng lên, sau khi ở mức 2,2% vào tháng Ba và tháng Tư, đây là mức thấp nhất trong khoảng ba năm qua. Jörg Krämer, chuyên gia kinh tế trưởng của Commerzbank nhấn mạnh: "Lạm phát cơ bản vẫn ở mức cao cho thấy chúng ta còn lâu mới có thể gạch bỏ vấn đề lạm phát". Lạm phát cơ bản không bao gồm giá cả biến động của thực phẩm và năng lượng ở mức 2,9% trong tháng Bảy, cao hơn mục tiêu lạm phát của Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB).
Tỷ lệ lạm phát tăng ở nhiều bang
Tỷ lệ lạm phát toàn quốc trong tháng Bảy đã được dự báo từ các tỷ lệ lạm phát công bố vào buổi sáng của một số bang: tại Nordrhein-Westfalen, giá tiêu dùng đã tăng 2,3% so với cùng kỳ năm trước, sau khi tỷ lệ lạm phát là 2,2% vào tháng Sáu, theo thông tin từ Cục Thống kê bang hôm nay. Tại Sachsen, tỷ lệ lạm phát thậm chí tăng từ 2,8% lên 3,1%, tại Baden-Württemberg từ 1,9% lên 2,1%. Tại Hessen (1,8%) và Brandenburg (2,6%), tỷ lệ này không đổi, trong khi ở Bayern giảm từ 2,7% xuống 2,5%.
Dịch vụ trở nên đắt đỏ hơn
Lạm phát chủ yếu được thúc đẩy bởi các dịch vụ trong tháng Bảy. Giá dịch vụ đã tăng trung bình 3,9%. Jörg Krämer từ Commerzbank cho biết: "Cuối cùng, tiền lương tăng mạnh đẩy giá của các dịch vụ chủ yếu sử dụng nhiều lao động lên cao". Chi phí nhân công tăng cao được nhiều công ty chuyển sang cho khách hàng. Ngược lại, giá năng lượng giảm 1,7%. Thực phẩm đắt hơn trung bình 1,3% so với tháng Bảy năm 2023. Tỷ lệ lạm phát cơ bản vẫn duy trì ở mức 2,9%.
Mục tiêu lạm phát chưa đạt được
Các nhà kinh tế của Deutsche Bank Research dự báo tỷ lệ lạm phát trung bình năm 2024 ở Đức sẽ là 2,2%. Đến năm 2025, tỷ lệ này sẽ giảm xuống 2,1%. Theo cuộc khảo sát tháng Bảy của viện ifo, trong ngành công nghiệp nhiều doanh nghiệp hơn so với tháng trước có kế hoạch tăng giá, trong khi các lĩnh vực gần tiêu dùng lại ít có kế hoạch tăng giá hơn. Do đó tỷ lệ lạm phát có thể sẽ giảm trong những tháng tới, chuyên gia kinh tế ifo Sascha Möhrle cho biết.
Tuy nhiên tỷ lệ lạm phát vẫn cao hơn 2,0%, mức mục tiêu lạm phát của Ngân hàng Trung ương châu Âu trong khu vực Eurozone. Vào tháng Sáu, sau khi lạm phát giảm đáng kể trong khu vực Eurozone, ECB đã hạ lãi suất cơ bản xuống 0,25 điểm phần trăm, đây là lần giảm lãi suất đầu tiên từ năm 2019. Trước kỳ nghỉ hè, ECB đã không thực hiện một đợt giảm lãi suất mới và giữ nguyên lãi suất cơ bản trong cuộc họp vào tháng Bảy. Hiện tại, lãi suất cơ bản mà các ngân hàng thương mại vay từ ECB là 4,25%. Các nhà ngân hàng trung ương dự báo lạm phát sẽ vẫn cao "cho đến sâu vào năm tới" và có thể sẽ duy trì chính sách tiền tệ thắt chặt của họ.
tin-tuc.de tổng hợp