Tâm sự cuộc sống ở Đức
Bài chia sẻ cuộc sống quá áp lực từ một bạn đọc giấu tên trong nhóm mẹ và bé ở nước ngoài - Germany và bài chia sẻ ấm lòng của admin nhóm.
Bạn đọc giấu tên đã chia sẻ trong nhóm mẹ và bé ở nước ngoài - Germany như sau:
Thật sự cuộc sống quá áp lực em không thể nào chịu đựng được nữa.
Đứa con đầu thì tự kỉ. Đứa thứ hai thì còi cọc. Đứa thứ ba thì mới sinh, ba đứa đè lên đầu em gánh nặng chồng chất.
Chồng thì không giúp được gì.
Bố mẹ chồng suốt ngày chửi rủa mỉa móc. Bố mẹ đẻ thì lúc nào cũng tính toán tiền tiền.
SPZ (Sozialpädiatrisches Zentrum - khoa nhi bệnh viện) thì lúc nào cũng chờ, chờ đến nửa năm vẫn chưa có Termin (lịch) khám cho con.
Trách bản thân ngu dốt không làm tròn trách nhiệm người mẹ. Con đang quá nhỏ mà vỡ kế hoạch.
Nhiều khi vực dậy tinh thần đưa con đi chơi nhưng những luồng suy nghĩ lo lắng vẫn không thoát ra được. Cố gắng tu tập Phật pháp.
Nhưng không thoát khỏi suy nghĩ muốn giải thoát bằng cách tự tử.
Tự nhiên thấy những người bị thiêu cháy cả nhà hay những người đang ngủ bị đột quỵ lại thấy họ đã được giải thoát khỏi kiếp người đầy khổ ải. Muốn 44 ( tự tử? ) nhưng không dám.
Nhưng 1 ngày mỗi giờ luôn nghĩ đến 1001 cách để chết đi cho thanh thản. Tiền không có con bệnh tật. Chồng bất tài. Bố mẹ chồng ác độc. Bố mẹ đẻ mờ mắt vì tiền.
Giờ gửi các con hết cho nhà nước Đức có khi còn tốt hơn ở với cái gia đình như này thiệt thòi con cái hơn.
Mỗi lần termin (lấy cuộc hẹn) cho con có tí mà mất nửa ngày đi làm. Rồi lại chả có tác dụng gì. Con bị Logopädie (bác sĩ trị liệu ngôn ngữ) trả lại.
Tình hình con càng ngày càng nặng mà SPZ cứ bình thản như thường.
Cảm thấy con mình sinh ra bởi người mẹ bất tài vô dụng. Đến khám cho con cũng không giúp được, nên mình muốn cho nó vào trại trẻ mồ côi có khi nó còn đỡ thiệt thòi hơn không?
Sau khi đăng bài thì admin của nhóm (chị Đinh Vân Anh) có một bài trả lời rất cảm động như sau:
Thế này nhé:
- Bạn có Chồng, tớ đơn thân.
- Đứa đầu nhà bạn tự kỷ, đứa đầu nhà tớ tăng động, tớ với con đã theo đuổi bác sĩ tâm lý suốt hơn 7 năm nay.
- Đứa thứ 2 nhà bạn còi, đứa thứ 2 nhà tớ vừa còi vừa có bệnh LRS (tiếng Đức: Lese-Rechtschreib-Schwäche, chứng khó đọc, khó viết)
- Đứa thứ 3 nhà bạn vỡ kế hoạch, đứa thứ 3 nhà tớ cũng cách chị có 19 tháng (cũng vỡ kế hoạch)
- Bé út nhà mình đã đi bệnh viện suốt 7 năm nay vì thiếu Hormon tăng trưởng, đừng nói chữ còi vì không ai tưởng tượng được chữ còi là như thế nào đâu.
- Bé Út nhà mình cũng đi Logopädie (trị liệu ngôn ngữ) hơn 1 năm. Tớ không tự thấy tớ bất tài, con tớ lớn lên vui vẻ hạnh phúc vì có 1 bà mẹ không thấy sợ gì.
Cuộc đời này có người khổ sẽ có người khổ hơn. Chết giải thoát 1 mình bạn xong để những đứa con bơ vơ với người Chồng bất tài.
Con còn bố thì chẳng ai cho vào trại mồ côi đâu. Bạn nghĩ nhà nước Đức sẽ “nuôi” con cho bạn với Chồng bạn hả? Không nhé, các con sẽ ở với bố và mồ côi mẹ.
Vấn đề:
1. Bạn đang bị trầm cảm sau sinh, cần phải được hỗ trợ tâm lý ngay và luôn.
2. Chuyện không liên quan (bố mẹ Chồng, bố mẹ đẻ) kệ mẹ đi, ốc còn chưa mang nổi mình ốc thì đừng lo mang cọc cho rêu.
3. Thằng Chồng bất tài thì chỉ việc cho nó làm, nó không tự thấy việc thì sai đâu đánh đấy.
4. SPZ không nhận thì tìm bác sĩ tâm lý bên ngoài, thằng nhỏ nhà mình là mình tìm bác sĩ tâm lý và đi Ergo (viết tắt của Ergotherapie - trị liệu nghề nghiệp) từ đầu chứ chưa từng qua SPZ. Bây giờ 14 tuổi cao lớn đẹp giai cười tỏa nắng và rất giỏi.
5. Con thứ 2 còi thì có làm sao? Nó thiếu tay hay thiếu chân? Nó có đo có chạy có chơi có hiểu có học được không? Bé thứ 2 nhà mình luôn thấy hài lòng với bản thân dù bé nhỏ, tự tin vui vẻ, thông minh già dặn, rất biết suy nghĩ và luôn biết yêu thương.
6. Con Út vỡ kế hoạch thì sao? Cũng là máu mủ ruột thịt, sinh ra rồi thì phải có trách nhiệm, có là hậu quả của sự ngu hay sự sướng thì bạn cũng ngoài 18 rồi, đừng có oán trách nữa. Đi tìm sự giải thoát thì càng bị đánh xuống địa ngục thôi vì kéo theo nỗi khổ đau của bao nhiêu người.
7. Túm lại: đi ra đường nhiều hơn, giao tiếp với thế giới nhiều hơn, tìm hỗ trợ tâm lý và có thể nhờ Jugendamt (văn phòng phúc lợi thanh niên) và Familienberatung (Bộ phận tư vấn gia đình).
Bớt cảm giác khùng điên đau khổ đi, có cái quái gì mà phải khổ??? Tiền không nhiều nhưng không chết đói, con tuy nhiều lại biết yêu thương, Chồng tuy bất tài nhưng nó vẫn còn ở đó cho bạn chà đạp, kiếm tiền cho mẹ con bạn ăn.
Phải biết đủ, phải biết nhìn vào mảng sáng của cuộc đời. Ai cũng là nạn nhân trong câu chuyện của mình, ai nghĩ cho các con của bạn là nạn nhân trong câu chuyện của mẹ chúng nó hả giời?
tin-tuc.de tổng hợp