Cách những "thuyền nhân" từ Việt Nam đến Đức
Sau khi kết thúc Chiến tranh Việt Nam, gần 2 triệu người đã rời bỏ Việt Nam để trốn thoát khỏi chế độ cộng sản. Hàng chục nghìn người trong số họ đã tìm được một mái ấm mới tại Đức. Đây là câu chuyện của ba trong số họ.
Cuộc trốn chạy bắt đầu trong bóng tối. Vào một đêm tháng 6 năm 1979, cậu thiếu niên Ngô Chí Dũng cùng 241 người Việt Nam khác lên một chiếc thuyền đánh cá. Chiếc thuyền dài gần 20 mét và rộng khoảng 5,5 mét. Anh và các anh chị em đã chờ đợi nhiều ngày ở Cà Mau, tỉnh cực Nam của Việt Nam, để thực hiện chuyến vượt biển. Họ định đến Malaysia hoặc Thái Lan, nhưng cuối cùng, anh lại cập bến Indonesia.
Cha mẹ anh đã tổ chức cuộc trốn chạy này cho anh và các anh chị em, họ đã hối lộ các quan chức và trả vàng, với hy vọng đem đến cho con mình một cuộc sống tốt đẹp hơn. Trước khi chiếc thuyền ra khơi hướng về Biển Đông, cha mẹ anh đến để đưa tiễn. “Lúc đó, tôi không cảm thấy đau buồn khi chia tay. Ý nghĩ về một tương lai mà tôi có thể tự tạo dựng và niềm vui khi có thể đi học lại quá lớn,” anh nhớ lại ở tuổi 60. “Tôi ôm mẹ thật chặt, hít một lần cuối hương thơm quen thuộc và ấm áp của mẹ. Phải đến khi trưởng thành, tôi mới được gặp lại mẹ.”
Kết thúc Chiến tranh Việt Nam và hậu quả của nó
Giống như Ngô Chí Dũng, sau khi Chiến tranh Việt Nam kết thúc, gần 2 triệu người đã lựa chọn rời bỏ quê hương để đối mặt với sự bất định thay vì tiếp tục sống trong nước. Chế độ cộng sản đã khiến cho cuộc sống của họ ngày càng khó khăn. Thắng lợi của miền Bắc vào ngày 30 tháng 4 năm 1975 và sự sụp đổ của Sài Gòn đã đánh dấu sự thay đổi lớn trong cuộc sống của nhiều người miền Nam. Trong khi miền Bắc coi đây là sự giải phóng quân sự, cuộc sống tại miền Nam lại thay đổi hoàn toàn. Hàng trăm nghìn đối thủ chính trị cùng các cựu quan chức và quân nhân của chính quyền và quân đội miền Nam đã bị giam giữ, tra tấn, hành quyết hoặc phải chịu lao động cưỡng bức và cải tạo chính trị. Hàng chục nghìn người đã chết trong các trại cải tạo.
Những người tị nạn đầu tiên từ miền Nam Việt Nam đã sử dụng nguồn lực cá nhân để rời khỏi Việt Nam bằng đường bộ. Đáp lại, chính quyền cộng sản đã phong tỏa biên giới. Vì vậy, Biển Đông trở thành con đường duy nhất cho họ. Họ được gọi là "thuyền nhân" Việt Nam trong lịch sử.
Ít triển vọng và thêm nhiều chiến tranh
Giữa năm 1975 và 1976, chỉ vài nghìn người rời bỏ đất nước. Con số này tăng lên cùng với các áp bức kinh tế và sự kiện chính trị ngày càng gia tăng. Thêm vào những điều kiện sống vốn đã khó khăn là cuộc chiến tranh của Việt Nam vào Campuchia vào tháng 12 năm 1978 để chấm dứt chế độ khủng bố Khmer Đỏ. Vì Khmer Đỏ được Trung Quốc ủng hộ, Trung Quốc đã chiếm đóng các thành phố biên giới của Việt Nam. Sau các trận đánh khốc liệt, Trung Quốc rút lui. Nhiều người ở Việt Nam có gốc gác Hoa đã rời khỏi đất nước vì lo sợ rằng sau khi Trung Quốc can thiệp, họ sẽ bị phân biệt đối xử nghiêm trọng hơn về mặt chủng tộc và kinh tế. Nhiều thanh niên Việt Nam không muốn bị cuốn vào các cuộc xung đột chiến tranh khác. Các bậc cha mẹ không thấy triển vọng nào cho con cái của họ ở quê nhà.
Cha mẹ của Chí Dũng cũng không ngoại lệ. “Cha tôi là nhà thầu xây dựng cho chính quyền miền Nam Việt Nam. Gia đình chúng tôi bị coi là thành phần không mong muốn,” anh kể lại. Cha của anh bị tịch thu đất đai và nhà cửa, còn Chí Dũng bị từ chối cơ hội học cao hơn. “Tôi không mong gì hơn là rời khỏi Việt Nam,” anh nhớ lại.
Đến tháng 6 năm 1979, anh cuối cùng ngồi co ro trong khoang thuyền. Suốt bảy ngày, vai kề vai, đầu gối chạm đầu gối với 241 người khác. “Hầu như ai cũng nôn. Sau đó, người ta chỉ quay đi và làm như không có gì xảy ra”. Người lái thuyền, người đưa anh và những người khác ra biển, không phải là một thủy thủ dày dạn mà chỉ là một ngư dân. “Ông ấy bị mất phương hướng và thậm chí còn mất cả cánh quạt tàu. Lần đầu tiên trong chuyến đi, tôi nghĩ đến cái chết: Chết là thế nào? Phải làm gì với những ước muốn chưa thành trong cuộc đời? Tuy nhiên, tôi không cảm thấy sợ hãi.”
Vào ngày thứ bảy, thuyền của họ gặp một tàu chở dầu, đưa mọi người đến hòn đảo nhỏ Siantan của Indonesia. Từ đó, họ được đưa đến trại tị nạn Galang trên một hòn đảo khác của Indonesia. Bốn tháng dài trôi qua. “Sự bất định thật khó chịu đựng,” Chí Dũng nói. Lúc đó, mục tiêu lớn nhất của anh là đến Mỹ. “Nhưng người Mỹ không còn muốn nhận thêm người. Không có người thân hoặc mối quan hệ, cơ hội là vô vọng.” Đức không phải là lựa chọn ưu tiên của anh. “Tôi có một khái niệm về Mỹ và Úc, nhưng Đức thì sao? Nó xa lạ quá,” anh nói. Tuy nhiên, qua sự quen biết của gia đình đã sống tại Đức, anh có thể nộp đơn xin tị nạn ở đó và đơn đã được chấp nhận. Các anh chị em của anh cũng có thể nhập cảnh vào Đức.
Không phải ai cũng may mắn như vậy vào thời điểm đó. Hơn 500.000 người đã chết hoặc biến mất trong cuộc trốn chạy. Cướp biển tấn công các thuyền, và nhiều phụ nữ trở thành nạn nhân của bạo lực tình dục.
Những “Người tị nạn nhân đạo” đầu tiên ở Đức
Khoảng 1,6 triệu “thuyền nhân” đã được tái định cư tại các nước thứ ba trong giai đoạn từ năm 1975 đến 1997. Ban đầu, Cộng hòa Liên bang Đức phản ứng chậm chạp trong việc tiếp nhận người tị nạn từ Đông Dương. Tính đến tháng 11 năm 1978, chỉ có 1.300 người được tiếp nhận. Lúc đó, Pháp và Mỹ đã lần lượt cấp quyền tị nạn cho 43.000 và 164.000 người. Sau đó, Đức đã gia tăng hạn mức và triển khai các chuyến bay đưa hàng chục ngàn người tị nạn đến Đức nhờ vào sự thúc đẩy của nhiều nhân tố khác nhau: truyền thông, các tổ chức xã hội, phe đối lập chính trị và các đối tác quốc tế.
Năm 1980, Đức đã tạo ra một quy định mới dành cho “người tị nạn nhân đạo” nhằm giúp người Việt Nam tránh các thủ tục tị nạn kéo dài. Họ được cấp ngay lập tức quy chế tị nạn và các quyền công dân mà không phải trải qua quy trình xét duyệt tị nạn phức tạp. Người Việt “thuyền nhân” là nhóm người tị nạn ngoài châu Âu đầu tiên đến Đức với số lượng lớn. Đến cuối thập niên 1980, Cộng hòa Liên bang Đức đã đầu tư khoảng 52 triệu mác Đức vào các hoạt động cứu hộ, khóa học tiếng Đức, hỗ trợ việc làm và tìm kiếm chỗ ở cho người tị nạn Đông Nam Á.
Thành lập tổ chức từ thiện Cap Anamur
Cuối thập niên 1970, hình ảnh và các bản tin về cuộc chiến tranh Việt Nam cùng cảnh người dân sau chiến tranh vượt biển bằng những “chiếc thuyền thúng” xuất hiện hầu như hàng ngày trên truyền hình, chạm đến trái tim của hàng triệu người. Chiến tranh Việt Nam được gọi là cuộc chiến “phòng khách”, khi được đưa vào từng gia đình qua màn hình. Nhà báo Rupert Neudeck, người có tuổi thơ từng trải qua cảnh tị nạn cùng gia đình, cũng rất xúc động trước tình cảnh của người Việt Nam. Cùng với vợ là Christel, ông sáng lập tổ chức từ thiện Cap Anamur vào năm 1979. Từ năm 1979 đến 1987, ba con tàu mang tên Cap Anamur I, II và III đã cứu khoảng 11.000 người tị nạn Việt Nam đang gặp nguy hiểm trên biển. Hơn 35.000 người được tổ chức chăm sóc y tế trong thời gian này.
Một trong những người được cứu đầu tiên là ông Hoàng Hữu Hùng và vợ là bà Vũ Thị Mai. Họ được tàu Cap Anamur I cứu vào tháng 9 năm 1979. Cặp đôi đã trốn khỏi quê hương Vũng Tàu, một làng chài bên bờ biển Đông, nơi sông Mê Kông đổ ra đại dương. Nỗi sợ hãi bị đàn áp và bắt giam lớn hơn nỗi sợ hãi biển cả. “Chúng tôi biết ngay từ đầu rằng vượt biển trên thuyền là rất nguy hiểm,” ông Hữu Hùng nhớ lại. “Nhưng chúng tôi còn trẻ, vừa kết hôn và không thấy tương lai ở Việt Nam.” Giống như Chí Dũng, họ không sợ hãi khi bước lên chiếc thuyền đánh cá chất đầy người.
Có 174 người trên thuyền, cùng nhau hy vọng về một cuộc sống tốt đẹp hơn. Họ lênh đênh ba ngày. Ngay đêm đầu tiên, họ gặp một trận bão lớn. Ông Hữu Hùng kể: “Trước mắt chúng tôi là bóng đen dày đặc của màn đêm dù chỉ mới 4 giờ chiều. Rồi cơn bão bắt đầu nổi lên dữ dội. Chúng tôi đều nghĩ rằng đây là điểm kết thúc.”
Tuy nhiên, họ không bị lật thuyền mà được một chiếc tàu chở hàng của Đức cứu vào ngày thứ ba. “Sóng biển cao đến mức thuyền đánh cá của chúng tôi như sắp vỡ vụn bên cạnh tàu hàng. Trẻ em và người già được kéo lên tàu trước, rồi đến chúng tôi. Ban đầu chúng tôi nhẹ nhõm, nhưng sau đó là một khoảnh khắc kinh hoàng: Chiếc tàu hàng của Đức đang trên đường trở về Vũng Tàu, nơi chúng tôi đã chạy trốn.” Nhưng họ đã may mắn. Thuyền trưởng đã liên hệ với tàu cứu hộ Cap Anamur, lúc đó đang hoạt động tại Biển Đông.
Đến Đức
Sau một tuần trên tàu Cap Anamur, ông Hùng và bà Mai được đưa đến sân bay ở Singapore. Họ bay đến Ấn Độ và từ đó tiếp tục đến Düsseldorf. Trạm dừng chân kế tiếp là trại tị nạn ở Unna, nơi họ lưu lại trong bảy ngày trước khi được phân bổ về các bang khác nhau trong những nhóm nhỏ. Với cặp đôi này, điểm đến là Troisdorf, một thành phố gần Bonn, nơi họ sinh sống cho đến nay.
Đức giờ đã trở thành quê hương của họ. Bốn người con của họ sinh ra ở đây. Ông Hùng làm việc trong ngành công nghiệp thép cho đến khi nghỉ hưu, trong khi bà Mai chăm lo cho con cái, đồng thời làm thêm nhiều công việc khác nhau như dọn dẹp, may trong xưởng mũ và bán hàng tại cửa hàng dệt may.
Đã 45 năm trôi qua kể từ khi ông Hùng và bà Mai trốn khỏi Việt Nam và đến Đức. Dù ngày đó họ không có ý định ở lại lâu dài, tình cảm gắn bó với Việt Nam vẫn còn mãi.
Ông Hữu Hùng biết ơn sự giúp đỡ mà ông và gia đình nhận được ở Đức cũng như sự cứu hộ trên biển. “Hy vọng về một tương lai an toàn là tất cả những gì chúng tôi có trên thuyền lúc bấy giờ.” Với ông và vợ, hy vọng đó đã trở thành hiện thực.
Mùa đông năm 1979, Chí Dũng cũng kết thúc cuộc hành trình của mình tại Đức, ở sân bay Stuttgart. Quê hương mới của anh thật lạnh lẽo. Những năm đầu thật khó khăn. Anh và các anh chị em sống tại một trung tâm của Caritas ở Freiburg. Mỗi ngày, họ học tiếng Đức bốn giờ trong suốt tám tháng. Sau đó, Chí Dũng vào trường nội trú, đậu vào trường trung học và theo học ngành ngữ văn Đức. Ở Đức, cuối cùng anh đã có cơ hội mà mình không có được ở Việt Nam.
Hiện tại, anh sống cùng gia đình ở Schwetzingen và điều hành một văn phòng dịch thuật. Anh nói: “Tôi có một cuộc sống với mọi thứ đi kèm, bao gồm cả quá khứ, không phải lúc nào cũng khiến tôi hạnh phúc. Nhưng nó là một phần của tôi.” Sự coi thường mà nhiều người nói về người tị nạn ngày nay làm anh buồn. “Nếu bạn bị tước đi mọi thứ và không có cơ hội phát triển, bạn cũng sẽ rời đi chứ”?
tin-tuc.de tổng hợp (Theo tạp chí: nationalgeographic.de)